Người bệnh tiểu đường cần một chế độ ăn uống lành mạnh giúp kiểm soát đường huyết, ổn định huyết áp, mức cholesterol trong máu. Mục tiêu mà người bệnh tiểu đường hướng đến là kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường gồm các vấn đề tim mạch, đột quỵ hay bệnh ung thư.
Trưởng Bộ phận chăm sóc lâm sàng về bệnh tiểu đường của Anh, chuyên gia dinh dưỡng Douglas Twenefour cho biết: “Việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh là rất quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường và giảm nguy cơ biến chứng bệnh tiểu đường.”
Cơ quan về bệnh tiểu đường của Anh đã đưa ra những lời khuyên dựa trên các nghiên cứu liên quan đến những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2. Nếu bạn mắc tiểu đường thai kỳ, thì một số lời khuyên về chế độ ăn uống dưới đây cũng có thể áp dụng được. Dù bạn mắc loại tiểu đường nào, hãy đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể.
Lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tiểu đường
-Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, việc đếm lượng carbohydrate rất quan trọng để duy trì lượng đường máu ổn định.
-Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và bạn đang thừa cân, béo phì, việc giảm cân đóng vai trò then chốt để giảm lượng đường trong máu và kiểm soát bệnh tiểu đường. Có thể ăn chế độ ăn kiêng low-carb, chế độ ăn Địa Trung Hải hoặc rất ít calo sẽ phù hợp cho bạn.
– Điều quan trọng trong ăn uống với bệnh tiểu đường là lựa chọn thực phẩm lành mạnh.
– Khẩu phần là yếu tố tiên quyết để kiểm soát đường huyết và cân nặng của bạn, bất kể bạn bị tiểu đường tuýp 1 hay tiểu đường tuýp 2. Hãy nhớ rằng khẩu phần ăn của mỗi người là khác nhau, khẩu phần phù hợp với người khác không có nghĩa nó phù hợp với bạn.
10 lời khuyên của các chuyên gia trong ăn uống với bệnh nhân tiểu đường
1. Chọn carbohydrate lành mạnh cho người bệnh tiểu đường
Tất cả các loại carbs đều ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, vì vậy điều quan trọng là phải biết loại thực phẩm nào chứa carbohydrate lành mạnh, đặc lưu ý về khẩu phần ăn.
Một số nguồn carbohydrate lành mạnh gồm:
- Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, kiều mạch và yến mạch nguyên hạt.
- Trái cây.
- Rau.
- Các loại đậu như đậu xanh, đậu và đậu lăng.
- Sữa như sữa chua không đường, sữa không đường.
Điều quan trọng là phải cắt giảm thực phẩm ít chất xơ như bánh mì trắng, gạo trắng và ngũ cốc chế biến. Hãy kiểm tra nhãn thực phẩm để lựa chọn được thực phẩm giàu chất xơ.
2. Người bệnh tiểu đường không nên ăn nhiều muối
Ăn nhiều muối có thể làm tăng huyết áp, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Khi bị bệnh tiểu đường, bạn đã có nguy cơ mắc tất cả các căn bệnh trên, nên chế độ ăn ít muối tốt cho người bệnh tiểu đường.
Cố gắng hạn chế tối đa 6g (một thìa cà phê) muối mỗi ngày. Rất nhiều thực phẩm đóng gói sẵn chứa nhiều muối, vì vậy hãy nhớ kiểm tra nhãn thực phẩm và chọn những loại có ít muối. Nấu ăn để theo dõi lượng muối bạn ăn hàng ngày. Bạn cũng có thể sáng tạo trong nấu ăn bằng cách thay muối bằng các loại thảo mộc và gia vị khác để tăng thêm hương vị.
3. Ăn ít thịt đỏ và thịt chế biến
Nếu bạn đang cắt giảm lượng carbs, bạn có thể ăn nhiều thịt hơn để giúp no lâu. Nhưng hãy hạn chế ăn thịt đỏ và thịt đã qua chế biến như giăm bông, thịt xông khói, xúc xích, thịt bò và thịt cừu. Tất cả các loại thịt này đều có mối liên hệ với các vấn đề về tim mạch và ung thư.
Thay đạm động vật từ thịt bằng các thực phẩm tốt cho người bệnh tiểu đường như:
- Các loại đậu như đậu và đậu lăng là những thực phẩm giàu chất xơ, và không ảnh hưởng quá nhiều đến lượng đường trong máu của bạn và giúp bạn luôn cảm thấy no.
- Trứng
- Cá là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Các loại cá nhiều dầu như cá hồi và cá thu còn tốt hơn vì chúng rất giàu omega-3, giúp bảo vệ trái tim của bạn. Cố gắng ăn 2 phần cá có dầu mỗi tuần.
- Gia cầm như gà và gà tây
- Các loại hạt không tẩm thêm muối.
4. Ăn nhiều trái cây và rau quả
Trái cây và rau cực kỳ tốt cho người bệnh tiểu đường. Bạn nên ăn nhiều rau và trái cây hơn vào bữa chính và dùng chúng như đồ ăn nhẹ nếu đói. Rau và trái cây bổ sung các vitamin, khoáng chất và chất xơ mà cơ thể cần hàng ngày để giúp bạn khỏe mạnh.
Có người sẽ đặt câu hỏi có nên ăn trái cây có đường hay không? Câu trả lời là tất cả các loại trái cây tốt cho tất cả mọi người kể cả khi bạn bị tiểu đường. Trái cây có vị ngọt, có đường, nhưng đó là đường tự nhiên vẫn tốt cho sức khỏe. Điều này khác với đường bổ sung (còn được gọi là đường tự do) có trong những thực phẩm như sô cô la, bánh quy và bánh ngọt là không tốt.
Các sản phẩm như nước ép trái cây cũng được tính là đường bổ sung, vì vậy người bị tiểu đường hãy dùng trái cây nguyên quả và tốt nhất là nên ăn trái cây có đường với các phần nhỏ, rải ra trong ngày thay vì ăn một phần lớn một lần.
5. Chọn chất béo lành mạnh hơn
Tất cả mọi người đều cần chất béo trong chế độ ăn vì nó cung cấp năng lượng. Nhưng các loại chất béo khác nhau ảnh hưởng đến sức khỏe theo những cách khác nhau.
Chất béo lành mạnh có trong các loại hạt không tẩm thêm muối, hạt, quả bơ, dầu cá, dầu ô liu, dầu hạt cải và dầu hướng dương. Một số chất béo bão hòa có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, chủ yếu có trong các thực phẩm động vật và thực phẩm chế biến sẵn như:
- Thịt đỏ và thịt chế biến.
- Bơ.
- Mỡ lợn.
- Bánh quy, bánh ngọt, bánh nướng và bánh ngọt.
Người bệnh tiểu đường nên cắt giảm sử dụng dầu, cố gắng ăn bằng phương pháp nướng, hấp hoặc luộc.
6. Cắt giảm lượng đường bổ sung
Người mắc bệnh tiểu đường nên cố gắng cắt giảm lượng đường trong chế độ ăn. Không dùng đồ uống có đường như nước tăng lực và nước ép trái cây, nên thay thế bằng sữa nguyên chất, trà hoặc cà phê không đường tốt hơn.
Bạn có thể thử dùng chất làm ngọt ít calo hoặc không calo. Cắt bỏ đường bổ sung có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu và giúp giảm cân.
Trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường, bác sĩ có thể khuyên bạn nên dự trữ thực phẩm có đường bên cạnh như kẹo, đồ uống có đường… để sử dụng khi bị hạ đường huyết đột ngột. Trong tình huống này, người bệnh cần tuân theo sự chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị hạ đường huyết, bạn cần phải trao đổi với bác sĩ điều trị để tìm giải pháp tốt nhất.
7. Sử dụng đồ ăn nhẹ một cách thông minh
Nếu muốn ăn nhẹ, bệnh nhân tiểu đường có thể chọn sữa chua, các loại hạt, trái cây và rau không tẩm thêm muối. Không nên dùng các thực phẩm như khoai tây chiên, bánh quy và sôcôla… làm bữa nhẹ. Đặc biệt, cần chú ý đến khẩu phần ăn của bạn để duy trì cân nặng của mình.
8. Hạn chế uống rượu
Rượu là một trong những thực phẩm chứa nhiều calo. Vì vậy nếu bạn đang muốn giảm cân, hãy tránh xa rượu. Người mắc bệnh tiểu đường cần tuyệt đối không uống rượu say.
Nếu bạn dùng insulin hoặc các loại thuốc trị tiểu đường khác, bạn cũng không nên uống rượu khi bụng đói. Điều này là do rượu có thể làm cho tình trạng hạ đường huyết dễ xảy ra hơn.
9. Đừng quan tâm đến thực phẩm dành cho người tiểu đường
Những thực phẩm được quảng cáo là dành cho bệnh nhân tiểu đường đều không có mấy tác dụng. Hiện không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy những thực phẩm này mang lại lợi ích đặc biệt hơn việc ăn uống lành mạnh. Bởi việc sử dụng những thực phẩm này vẫn có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết của bạn.
10. Nhận khoáng chất và vitamin từ thực phẩm
Không có bằng chứng cho thấy bổ sung khoáng chất và vitamin giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường. Vì vậy, trừ khi bạn được bác sĩ chỉ định dùng thực phẩm bổ sung bạn không cần phải sử dụng thêm bất kỳ vitamin hay khoáng chất nào khác.
Sẽ tốt hơn nếu bạn có được các chất dinh dưỡng thiết yếu bằng cách ăn các loại thực phẩm lành mạnh. Bởi một số chất bổ sung có thể ảnh hưởng đến thuốc mà bạn đang dùng hoặc làm cho một số biến chứng bệnh tiểu đường trở nên tệ hơn, như bệnh thận.
Người bệnh tiểu đường cần một lối sống hoạt động
Hoạt động thể chất hay lối sống năng động cũng quan trọng như việc ăn uống lành mạnh. Nó có thể giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường và cũng giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Điều này là do khi cơ bắp vận động, lượng glucose được sử dụng nhiều hơn và giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn.
Người bệnh tiểu đường nên tập thể dục ít nhất 150 phút với cường độ vừa phải mỗi tuần. Có thể chia nhỏ các bài tập trong tuần, như 10 phút mỗi ngày trong tuần hoặc 30 phút 5 lần một tuần.
T. Hải