Dinh dưỡng cho bà mẹ đang nuôi con bú

Date:

Share post:

Dinh dưỡng của bà mẹ ảnh hưởng đến vi chất trong sữa

Ngày nay, khoa học đã chứng minh việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất dành cho trẻ nhỏ. Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) mang lại lợi ích thiết thực cho cả mẹ và bé. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng nên cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ sau khi sinh và nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung từ tròn 6 tháng tuổi kết hợp với bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi.

Trong giai đoạn nuôi con bú chế độ dinh dưỡng của bà mẹ ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe của con. Trong giai đoạn nuôi con bú, chế độ dinh dưỡng tốt của bà mẹ chính là để bảo đảm bà mẹ có đủ sữa nuôi con. Như vậy, bà mẹ đang nuôi con bú cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, và không quên rằng chế độ lao động, nghỉ ngơi kết hợp với một trạng thái tinh thần tâm lý thoải mái cũng là một yếu tố quan trọng để bảo đảm có đủ sữa nuôi con.

Dinh dưỡng cho bà mẹ đang nuôi con bú - Ảnh 2.

Trong thời kỳ cho con bú, người mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt nhất.

Thành phần sữa mẹ nói chung là tương đối hằng định ở tất cả các bà mẹ và nguồn năng lượng dự trữ của bà mẹ luôn được huy động để sản xuất sữa khi cần, tuy nhiên nhiều nghiên cứu khẳng định là dinh dưỡng của  bà mẹ  có ảnh hưởng nhất định đến một số vi chất cũng như lượng sữa tiết ra của bà mẹ. Nếu chế độ ăn của bà mẹ thiếu vitamin (đặc biệt là B1, A và D…) thì các vitamin này cũng sẽ thiếu trong sữa của những người mẹ đó.

Ngay sau sinh, trong vòng 1 tháng đầu, bà mẹ cần được bổ sung vitamin A (viên 200.000 đơn vị) để có thể đủ cung cấp lượng vitamin A cần thiết trong sữa cho con. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu, lượng kháng thể của con là do người mẹ cung cấp trực tiếp qua sữa mẹ, vì thế bảo đảm đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cho mẹ cũng chính là cách phòng bệnh tốt nhất cho con.

Trẻ được nuôi dưỡng đầy đủ hoàn toàn bằng nguồn sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời trẻ sẽ phát triển toàn diện cả về thể lực và trí tuệ, trẻ có sức đề kháng tốt, ít mắc các bệnh nhiễm trùng, khi lớn lên ít mắc các bệnh mạn tính không lây.

Nhu cầu dinh dưỡng của bà mẹ đang nuôi con bú

Bà mẹ sau khi sinh con, mặc dù nguồn dinh dưỡng dự trữ trong thời gian mang thai vẫn chưa phải tiêu thụ hết nhưng trước khi sinh con cũng như trong quá trình sinh nở, bà mẹ đã mất khá nhiều năng lượng và các chất dinh dưỡng qua mất máu khi sinh đẻ, huy động các chất dinh dưỡng để sản xuất sữa non trong những tháng cuối của kỳ thai và tiếp tục bài tiết sữa để nuôi con ngay sau khi sinh…do đó, nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của bà mẹ đang nuôi con bú là khá cao, thậm chí còn cao hơn so với thời kỳ thai nghén.

Nhu cầu về năng lượng: Nếu so sánh ở cùng một nhóm tuổi và cùng một mức độ hoạt động thể lực thì nhu cầu năng lượng của bà mẹ đang nuôi con bú sẽ cao hơn khoảng 500 Kcal so với phụ nữ lúc bình thường (tức là khi chưa mang thai và khi không phải đang nuôi con bú), năng lượng này tương đương với khoảng 3 lưng bát cơm cùng với thức ăn hợp lý chia vào các bữa ăn trong ngày.

Dinh dưỡng cho bà mẹ đang nuôi con bú - Ảnh 3.

Bà mẹ cho con bú nên lựa chọn các thực phẩm có protein chất lượng cao như thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ…

Nhu cầu năng lượng của bà mẹ trong thời kỳ nuôi con bú còn phụ thuộc vào tình trạng hoạt động thể lực và mức tăng cân trong thời kỳ mang thai, cụ thể:

Người mẹ trước và trong thai kỳ có chế độ dinh dưỡng tốt, đạt mức tăng cân từ 10 – 12kg: Cần ăn nhiều hơn để đảm bảo nhu cầu năng đạt mức  2260 Kcal/ ngày đối với người lao động nhẹ và 2550 Kcal/ngày đối với người lao động trung bình.

Người mẹ trước  và trong thai kỳ có chế độ dinh dưỡng chưa tốt, có mức tăng cân ít hơn 10kg: Cần phải cố gắng ăn nhiều và đa dạng hơn các loại thực phẩm khác nhau, để đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng khi đang nuôi con bú.

Nhu cầu về chất đạm (Protein): Lượng chất đạm cần được cung cấp đầy đủ trong quá trình cho con bú theo khuyến cáo cho người Việt Nam: Trong 6 tháng đầu, ăn thêm 19 gam/ngày so với nhu cầu bình thường, nâng tổng số lên 79g/gam ngày. Trong 6 tháng tiếp theo, thêm 13g/ngày, nên tổng lượng chất đạm cần cung cấp trong 1 ngày là 73g. Lượng protein động vật nên đạt ≥ 30% protein tổng số. Nên lựa chọn các thực phẩm có protein chất lượng cao như thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ…

Số lượng đạm trong thực phẩm có thể ước tính như sau: cứ 100g thịt/cá cung cấp khoảng 20g đạm (protein), 100g đậu phụ cung cấp khoảng 10g đạm. Nên sử dụng 6,5 đơn vị sữa/ngày (uống sữa hoặc ăn các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phomai). Nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần.

Nhu cầu chất béo (Lipid): Lượng chất béo ăn vào cần cung cấp 20-30% năng lượng khẩu phần. Khuyến khích sử dụng các chất béo có nhiều các axit béo không no chuỗi dài nhiều nối đôi như n3, n6, EPA, DHA (có nhiều trong một số loại dầu thực vật, dầu cá, một số loại cá mỡ). Lượng chất béo này rất quan trọng cho sự phát triển tối ưu trí não và thị lực của bé. Cứ 1g chất béo sẽ cung cấp năng lượng vào khoảng 9Kcal.

Vitamin và khoáng chất: Các vitamin và khoáng chất rất cần bổ sung cho người mẹ nuôi con bú. Ngoài việc bổ sung bằng các thực phẩm tự nhiên trong bữa ăn hàng ngày cần đủ rau xanh (≥400g trái cây, rau củ/ngày) và đủ chất xơ để tránh táo bón.

Nhu cầu về nước: Để sản xuất đủ sữa, bà mẹ đang nuôi con bú cần uống đủ nước, trung bình khoảng 2,0 – 2,5 lít nước/ngày (tương đương với 12 đến 15 cốc nước).

Chế độ dinh dưỡng hợp lý của bà mẹ đang nuôi con bú

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng, chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ đang nuôi con bú cần tuân thủ:

Ăn tăng bữa: Bởi nhu cầu năng lượng cao, cùng với yêu cầu được cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, bao gồm cả các vi chất dinh dưỡng, nên khẩu phần cả ngày của bà mẹ đang cho con bú nên được chia làm nhiều bữa trong ngày (trung bình chia ra 3-6 bữa/ngày).

Ăn đa dạng: Bữa ăn cần đa dạng các loại thực phẩm (ít nhất có mặt 10-15 loại thực phẩm) với đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng (chất bột đường; chất đạm; chất béo; và nhóm vitamin/khoáng chất). Khẩu phần cũng cần cung cấp đủ nhu cầu canxi (1300mg/ngày), lượng canxi này vừa để cung cấp cho trẻ thông qua sữa mẹ vừa để phòng tránh mất canxi trong xương của chính người mẹ.

Ngoài các thực phẩm giàu canxi khác (như thịt; cá; trứng; các loại thủy hải sản…) bà mẹ cần sử dụng 6,5 đơn vị sữa mỗi ngày (1 đơn vị sữa tương đương với 100ml sữa dạng lỏng pha chuẩn, hoặc 15g pho mai hoặc 1 cốc sữa chua 100g), mỗi đơn vị sữa sẽ cho ta khoảng 100mg canxi. Trong trường hợp cần thiết, người mẹ cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc về bổ sung các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là sắt, kẽm, vitamin D và Canxi. Uống đủ nước, trung bình khoảng 2,0 – 2,5 lít nước/ngày (tương đương với 12 đến 15 cốc nước).

Ngày nay, để nhấn mạnh đến tính đa dạng của thực phẩm trong khẩu phần ăn, cũng như chú trọng các loại thực phẩm có các yếu tố bảo vệ sức khỏe (có nhiều trong các loại hạt, rau, củ, quả…), người ta còn chia thực phẩm ra làm 8 nhóm (xem hình):

Để vừa bảo đảm tính đa dạng lại vừa bảo đảm sự có mặt của ít nhất 5 trong số 8 nhóm thực phẩm ở trên cho mỗi bữa ăn của các bà mẹ, căn cứ vào chức năng dinh dưỡng của mỗi nhóm, người ta xếp 8 nhóm trên vào 5 vòng tròn sau đây, các bà mẹ có thể dễ dàng lựa chọn các thực phẩm cho mỗi bữa ăn của mình, sao cho luôn có mặt đủ cả 5 đại diện từ 5 vòng tròn sau:

Bổ sung các vi chất dinh dưỡng cần thiết: ngay sau khi sinh hoặc chậm nhất trong vòng 1 tháng đầu sau đẻ, bà mẹ được khuyên dùng 1 viên vitamin A liều cao (200.000UI), ngoài ra các bà mẹ vẫn nên tiếp tục sử dụng viên sắt hoặc viên đa vi chất (ít nhất là duy trì 1 tháng đầu sau đẻ).

Lao động nghỉ ngơi hợp lý, vui vẻ lạc quan: Cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, bà mẹ cần luôn giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái, lạc quan. Có chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý. Ngủ đủ giấc, bảo đảm ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Trong giai đoạn đang nuôi con bú, bà mẹ rất cần có sự quan tâm hỗ trợ của các thành viên trong gia đình, cũng như sự quan tâm giúp đỡ của cơ quan, cộng đồng tạo điều kiện để bà mẹ được thực hiện đầy đủ quyền được nuôi con bằng sữa mẹ.

Không kiêng khem quá mức; Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Do nhiều nơi còn có những phong tục, tập quán khác nhau mà bắt bà mẹ phải kiêng khem nhiều thứ trong thời kỳ đang cho con bú. Ví dụ: sau đẻ chỉ cho bà mẹ ăn cơm với muối trắng, kiêng thịt, cá vì sợ “tanh” làm con bị tiêu chảy(!), điều này là không cần thiết và không có cơ sở khoa học. Các bà mẹ cho con bú sẽ giảm cân tốt hơn so với các bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ do mỡ tích lũy trong thời gian mang thai sẽ được chuyển hóa thành sữa cho con bú.

Do đó các bà mẹ không chủ động ăn kiêng trong giai đoạn này vì người mẹ sẽ cần có bữa ăn đa dạng, nhiều năng lượng hơn bình thường để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình và tạo đủ sữa cho con. Vào giai đoạn này, muốn giảm cân, bà mẹ chỉ cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng và tập thể dục đều đặn mỗi ngày, đồng thời, giảm bớt lượng đường trong khẩu phần.

Bà mẹ đang nuôi con bú không nên sử dụng các loại thức uống, đồ ăn có tính chất kích thích, như: rượu, bia, cà phê; Hạn chế ăn các thức ăn có nhiều gia vị (hành, tỏi, ớt…). Không ăn các thức ăn dễ ôi thiu hoặc nghi ngờ ôi thiu vì dễ gây ngộ độc.

Việc sử dụng thuốc: trong thời kỳ đang nuôi con bú, các bà mẹ cần thận trọng khi sử dụng thuốc, nhất là các loại thuốc kháng sinh, thuốc nội tiết tố, thuốc tác động lên hệ thần kinh…, nhìn chung trong giai đoạn này khi sử dụng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ và nhất thiết phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chính sách dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ emChính sách dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em

SKĐS – Các chính sách dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số hiện rất đầy đủ và bao quát. Việc triển khai như thế nào để nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em là điều các địa phương phải lưu tâm.

 

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Bài Viết Liên Quan

    6 lối sống giúp tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật

    Theo Tổ chức Y tế thế giới, lối sống lành mạnh là cách sống hướng đến mục tiêu...

    Món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị đái tháo đường

    'Tiêu' nghĩa là tiêu hao (đái nhiều - tiêu hao nước, giảm thể trọng - tiêu hao thịt)....

    9 động tác thực hiện tại nhà giúp giảm ù tai

    Ù tai là tình trạng xuất hiện âm thanh liên tục trong tai, có thể là âm thanh...

    Nấm linh chi, tốt cho sức khỏe nhưng ai không nên dùng nhiều?

    1. Đặc điểm của cây nấm linh chi Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của...