Người bệnh hen phế quản nên chú ý gì khi tập luyện?

Date:

Share post:

Hen phế quản là bệnh lý mạn tính đường hô hấp, gây giảm thông khí hoặc tắc nghẽn mạn tính đường thở. Người bệnh hen phế quản thường nhạy cảm với nhiều kích thích khác nhau, đặc biệt gắng sức là một trong những yếu tố có thể gây khởi phát cơn hen.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy tập luyện thể lực phù hợp có thể giúp cải thiện thông khí hô hấp, giảm bớt tình trạng khó thở nói chung và khó thở gây ra do gắng sức nói riêng, nâng cao năng lực vận động và sức khỏe thể chất, góp phần giúp kiểm soát cơn hen tốt hơn. Do đó, người bệnh hen phế quản nên duy trì vận động thể lực phù hợp, đúng phương pháp.

Người bệnh hen phế quản nên chú ý gì khi tập luyện? - Ảnh 1.

Người bị bệnh hen phế quản cần có phương pháp tập luyện phù hợp.

1. Phương pháp tập luyện cho người bệnh hen phế quản

Làm nóng cơ thể bằng cách khởi động 5-10 phút trước khi tập. Có thể bắt đầu bằng đi bộ chậm, vận động cơ khớp nhẹ nhàng, mềm dẻo.

Tiếp theo có thể chạy cự ly ngắn (30-60m) trong khoảng 15-30 giây, nghỉ khoảng 30 giây, lặp lại 2-3 lần.

Người bệnh nên tập các bài tập tăng cơ lực cơ thân, chi trên (cơ thang, cơ rộng lưng, cơ nhị đầu, tam đầu cánh tay, các cơ ngực, cơ vai, cơ liên sườn…) như bài tập tay, bài tập thân trên…

Các bài tập này phối hợp với các bài tập thở vừa giúp tăng cơ lực, vừa có tác dụng tăng thông khí nhờ tăng hoạt động của các cơ hô hấp và sự giãn nở của lồng ngực.

Các bài tập tăng lực cơ chi dưới như đứng lên ngồi xuống, đá chân… ít tác động trực tiếp đến chức năng hô hấp. Mỗi bài tập nên thực hiện 8-12 lần trong 2-3 lượt với cường độ khoảng 50-70% cường độ tối đa có thể thực hiện.

Các bài tập cử động vùng cổ, vai, ngực, đùi giúp tăng độ dẻo dai có thể được lồng ghép xen kẽ trong mỗi buổi tập.

Người bệnh hen phế quản nên chú ý gì khi tập luyện? - Ảnh 2.

Đi bộ chậm là loại hình vận động phù hợp cho bệnh nhân hen phế quản.

Ngoài ra, các bài tập cần gắng sức vừa phải như đi bộ hay các bài tập gắng sức trong thời gian ngắn, ngắt quãng như chạy cự ly ngắn, các môn thể thao không đòi hỏi gắng sức liên tục như cầu lông, bóng bàn, tennis, bóng chuyền, bóng rổ, thậm chí bóng đá cũng hiếm khi gây cơn hen cấp.

Các bài tập sức mạnh, tập tăng cơ lực như nâng tạ, chống đẩy, tập xà cũng có tác dụng hỗ trợ nâng cao năng lực gắng sức cho người bị hen. Tuy nhiên, cường độ vận động lớn cũng dễ gây cơn hen cấp nên người tập cần lưu ý vận động phù hợp với năng lực bản thân, có khoảng nghỉ nhất định, tránh vận động cường độ cao liên tục, tránh gắng sức quá mức.

Bơi là loại hình tập luyện rất tốt cho bệnh nhân hen với điều kiện thời tiết ấm, nhiệt độ nước phù hợp. Tránh bơi khi trời lạnh và phải chú ý các tác nhân có thể kích thích cơn hen như các loại hóa chất dùng để sát trùng nước bể bơi. Nhìn chung bệnh nhân hen không được khuyến khích tập lặn.

Các bài tập sức bền (aerobic, đi bộ, chạy cự ly dài, đạp xe) mặc dù được coi là trọng tâm của chương trình vận động phục hồi chức năng hô hấp, là cách tốt nhất để tăng cường khả năng chịu đựng của hệ tuần hoàn – hô hấp. Tuy nhiên, cần thận trọng khi tập vì dễ gây hen gắng sức.

Người bệnh hen phế quản nên chú ý gì khi tập luyện? - Ảnh 3.

Cầu lông là môn thể thao không đòi hỏi gắng sức liên tục người bệnh hen phế quản có thể tập.

2. Những lưu ý khi tập luyện đối với người bệnh hen phế quản

Người bệnh nên lựa chọn môn thể thao, loại hình vận động yêu thích phù hợp với thể trạng, sức khỏe và tình trạng bệnh của mình.

Tránh tập theo tâm lý đám đông, tránh gò ép bản thân phải tập một loại hình nào đó không cảm thấy thoải mái. Tránh gắng sức quá mức.

Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong việc phối hợp thuốc điều trị và tập luyện. Luôn mang theo thuốc cắt cơn hen trong khi tập.

Tuân thủ chế độ kiểm tra sức khỏe, đánh giá chức năng trước và trong quá trình luyện tập để giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy ra trong khi tập cũng như đảm bảo việc xây dựng chương trình tập luyện phù hợp và thuận lợi cho việc đánh giá kết quả luyện tập.

Đảm bảo thực hiện đúng các yêu cầu về vệ sinh an toàn tập luyện. Bài tập từ dễ, đơn giản đến khó, phức tạp, tăng dần khối lượng, cường độ tập luyện một cách thích hợp.

Việc tập luyện cần kiên trì, đều đặn. Các bài tập phải đảm bảo tăng cường cả về sức mạnh, sức bền và các bài tập dẻo dai, nhẹ nhàng thư giãn.

Tập luyện với tinh thần sảng khoái, thư giãn, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trang phục cá nhân phải tiện lợi, đảm bảo phù hợp với thời tiết khí hậu.

Thời gian tập luyện phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể, ví dụ: Không nên quá sớm, hoặc quá muộn trong ngày; quá xa hoặc quá gần bữa ăn chính (2 giờ sau bữa ăn chính là thích hợp nhất).

Môi trường tập luyện phải thoáng, không khí trong lành. Nếu tập ngoài trời phải đảm bảo điều kiện thời tiết, nhiệt độ, tránh lạnh, độ ẩm thấp. Chú ý tránh những nơi nhiều các dị nguyên dễ gây kích thích cơn hen như khói bụi, phấn hoa, lông vật nuôi…

Tuy gắng sức là yếu tố có thể làm cơn hen khởi phát nhưng nếu tập luyện đúng phương pháp, phù hợp sẽ góp phần giúp kiểm soát bệnh hen tốt hơn.

Xem thêm video đang được quan tâm:

3 loại hải sản đàn ông nên ăn để tăng cường sinh lực.

 

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Bài Viết Liên Quan

    6 lối sống giúp tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật

    Theo Tổ chức Y tế thế giới, lối sống lành mạnh là cách sống hướng đến mục tiêu...

    Món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị đái tháo đường

    'Tiêu' nghĩa là tiêu hao (đái nhiều - tiêu hao nước, giảm thể trọng - tiêu hao thịt)....

    9 động tác thực hiện tại nhà giúp giảm ù tai

    Ù tai là tình trạng xuất hiện âm thanh liên tục trong tai, có thể là âm thanh...

    Nấm linh chi, tốt cho sức khỏe nhưng ai không nên dùng nhiều?

    1. Đặc điểm của cây nấm linh chi Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của...